Nhu cầu bất động sản ở Châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng và lạm phát. Những kịch bản nào sẽ xảy ra với thị trường bất động sản Châu Âu? Giá bất động sản đang biến động như thế nào?
Các nhà xây dựng và phát triển bất động sản phải chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn trên khắp Châu Âu. Theo S&P, một số yếu tố bên ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản ở Châu Âu trong 12 đến 18 tháng tới, gồm: Lãi suất tăng, lạm phát và chi phí năng lượng do xung đột Nga-Ukraine.
Lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng của chúng đến thị trường nhà ở?
Theo S&P, tình hình lạm phát hiện tại có thể làm giảm sản lượng bán ra. Thị trường chủ yếu phụ thuộc vào các khoản vay thế chấp (70% số nhà được trả bằng các khoản vay mua nhà ở châu Âu), dẫn đến tiền vốn bị ảnh hưởng bởi lãi suất và các điều kiện ngân hàng.
Sự không chắc chắn về kinh tế có thể khiến các gia đình ngừng mua nhà mới, vì giá nhà cùng chi phí sinh hoạt tăng, do lạm phát, nhưng không đi kèm với việc tăng lương thực tế. Ví dụ, Bồ Đào Nha có khoảng cách giữa giá nhà và tiền lương lớn nhất trong OECD, với chi phí nhà ở vượt quá thu nhập lao động 47,1% trong quý đầu tiên của năm 2022.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu, đang làm tăng chi phí và sự thiếu hụt nguyên vật liệu cho các công ty xây dựng, gây ra trì hoãn cũng như khiến các dự án trở nên đắt đỏ hơn.
Giá nhà ở Châu Âu
Trong tình thế thị trường bất động sản ở Châu Âu chững lại, giá nhà cũng ngừng phát triển, S&P lập luận rằng: Để duy trì tỷ suất lợi nhuận, cần có các kế hoạch tối ưu hóa chi phí và dự trữ thanh khoản vững chắc. Ngoài ra, việc dự trữ nguồn cung cũng rất quan trọng trong việc giữ vững giá bất động sản. Ví dụ ở Bồ Đào Nha, nhu cầu về bất động sản cao hơn so với nguồn cung đã khiến giá nhà ở nói chung ở nước này tăng lên trong những năm gần đây.
Dự báo tương lai của bất động sản ở Châu Âu
Đây là những xu hướng chính được S&P xác định trong những tháng tới đối với lĩnh vực bất động sản Châu Âu:
Lãi suất tăng và sức mua suy yếu sẽ làm giảm nhu cầu về nhà ở mới ở châu Âu, một thị trường chủ yếu dựa vào các khoản vay mua nhà, mặc dù các chính sách khuyến khích của chính phủ có thể đóng vai trò như một biện pháp kích thích.
Ngoài ra, chi phí xây dựng tăng cao, chi phí năng lượng (chiếm 5-10% mức tăng giá), thiếu lao động, thiếu đất và các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục cản trở việc cung cấp nhà ở.
Yêu cầu về môi trường và an toàn ngày càng tăng thúc đẩy nhu cầu xây dựng bất động sản mới, nhưng cũng đặt ra thêm chi phí và thách thức kỹ thuật cho các nhà xây dựng.
Do đó, người ta dự đoán rằng trong quý cuối cùng của năm 2022, các nhà xây dựng và phát triển bất động sản châu Âu sẽ bắt đầu phải chịu áp lực ngày càng tăng về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận, vì rất khó để chuyển chi phí tăng cao cho khách hàng cuối cùng.
Hầu hết các tác động sẽ không được thấy rõ cho đến năm 2023. Tuy nhiên, suy cho cùng bất động sản vẫn đang là kênh “trú ẩn” dòng tiền an toàn nhất trong thời buổi kinh tế rối loạn như hiện nay khi đặt lên bàn cân với các hình thức đầu tư khác: vàng ngày càng mất giá do áp lực từ đồng USD, thị trường chứng khoán thay đổi liên tục, lãi suất gửi tiền vào ngân hàng thấp…
Dù được dự báo tỷ lệ tăng trưởng của giá bất động sản “hạ nhiệt” nhưng điều đó không có nghĩa là bất động sản không thể sinh lời. Hầu hết các nhà phát triển bất động sản được xếp hạng của châu Âu dự kiến có thể sẽ vượt qua các trở ngại và giữ các thông số tín dụng phù hợp, nhờ bảng cân đối kế toán mạnh và mức thanh khoản tốt.
>>> Tìm hiểu thêm về giá bất động sản ở Châu Âu: Giá nhà tại Hungary lập kỷ lục tăng trưởng cao nhất Châu Âu